Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Lấy ví dụ về quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của các ngành luật : Hành chính, dân sự, kinh tế, hôn nhân – gia đình ?


Lấy ví dụ về quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của các ngành luật : Hành chính, dân sự, kinh tế, hôn nhân – gia đình ?
BÀI LÀM
            Khái niệm điều chỉnh pháp luật: là quá trình Nhà nước dùng pháp luật tác động lên hành vi của các chủ thể, thông qua đó tác động lên các quan hệ xã hội.
            Đối tượng điều chỉnh của pháp luật: là những quan hệ xã hội mà Nhà nước thấy cần phải tác động bằng pháp luật.
            Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội theo hai hướng: Những quan hệ xã hội không phù hợp với ý chí của Nhà nước, Nhà nước điều chỉnh theo hướng hạn chế, loại trừ chúng. Những quan hệ xã hội phù hợp với ý chí của Nhà nước thì Nhà nước sẽ ghi nhận và bảo vệ.
Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là cách thức tác động đến các quan hệ xã hội bằng pháp luật. Phương pháp điều chỉnh là yếu tố quan trọng để xác định ngành luật đó có phải là ngành luật độc lập hay không. Ngoài ra, phương pháp điều chỉnh còn góp phần xác định phạm vi điều chỉnh của các ngành luật trong trường hợp những quan hệ xã hội có chỗ gần kề hoặc đan xen với nhau.
Mỗi ngành luật đều có đối tượng và phương pháp điều chỉnh khác nhau. Cụ thể :
            1. Quan hệ xã hội thuộc đối tượng và phương pháp điều chỉnh của ngành luật hành chính:
            1.1 Đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính :
Luật Hành chính điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lí hành chính Nhà nước (còn được gọi là hoạt động chấp hành - điều hành).
            Ví dụ : Ông Quách Văn Minh đến UBND xã Hòa Phú đăng kí khai sinh cho con. Khi đó, quan hệ giữa ông Minh và UBND xã là do luật Hành chính điều chỉnh vì việc đăng kí khai sinh là hoạt động quản lí hành chính Nhà nước.
Các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hành chính gồm 3 nhóm:
a. Nhóm 1: Những quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành trong phạm vi các cơ quan hành chính nhà nước (ngoại trừ hoạt động trong quan hệ công tác nội bộ), với mục đích chính là đảm bảo trật tự quản lý, hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính nhà nước. Nhóm này thường được gọi ngắn gọn là nhóm hành chính công. Nói một cách ngắn gọn, quan hệ pháp luật hành chính công được hình thành giữa các bên chủ thể đều mang tư cách có thẩm quyền hành chính nhà nước khi tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính đó.
Ðây là nhóm những quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh cơ bản của luật hành chính. Thông qua việc thiết lập những quan hệ loại này, các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện các chức năng cơ bản của mình. Những quan hệ này rất đa dạng, phong phú bao gồm những quan hệ được chia thành 2 nhóm nhỏ như sau:

a.1. Quan hệ dọc :
- Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước cấp trên với cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới theo hệ thống dọc. Ðó là những cơ quan nhà nước có cấp trên, cấp dưới phụ thuộc nhau về chuyên môn kỷ thuật, cơ cấu, tổ chức...
Ví dụ: Mối quan hệ giữa Chính phủ với UBND tỉnh Cần Thơ; Bộ Tư pháp với Sở Tư pháp...
- Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cấp trên với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung cấp dưới trực tiếp nhằm thực hiện chức năng theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp với UBND tỉnh Cần Thơ; giữa Sở Thương mại tỉnh Cần Thơ với UBND huyện Ô Môn...
- Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các đơn vị, cơ sở trực thuộc.
Ví dụ: Quan hệ giữa Bộ Giáo dục - Ðào tạo với Trường đại học Cần Thơ, Giữa Bộ Y tế và các bệnh viện nhà nước.
a.2. Quan hệ ngang :
- Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp.
Ví dụ: Mối quan hệ giữa UBND tỉnh Cần Thơ với Sở Thương mại tỉnh Cần Thơ ; Giữa Chính Phủ với Bộ Tư pháp ...
- Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp với nhau. Các cơ quan này không có sự phụ thuộc nhau về mặt tổ chức nhưng theo quy định của pháp luật thì có thể thực hiện 1 trong 2 trường hợp sau:
+ Một khi quyết định vấn đề gì thì cơ quan này phải được sự đồng ý, cho phép hay phê chuẩn của cơ quan kia trong lĩnh vực mình quản lý.
Ví dụ: Mối quan hệ giữa Bộ Tài chính với Bộ Giáo dục - Ðào tạo trong việc quản lý ngân sách Nhà nước; giữa Sở Lao động Thương binh -Xã hội với các Sở khác trong việc thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước.
+ Phải phối hợp với nhau trong một số lĩnh vực cụ thể
Ví dụ: Thông tư liên Bộ do Bộ giáo dục đào tạo phối hợp với Bộ tư pháp ban hành về vấn đề liên quan đến việc đào tạo cử nhân Luật
Thông tư liên ngành do Bộ trưởng Bộ tư pháp phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên quan đến lĩnh vực tội phạm ban hành.
- Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương với các đơn vị, cơ sở trực thuộc trung ương đóng tại địa phương đó.
Ví dụ: quan hệ giữa UBND tỉnh Cần Thơ với Trường đại học Cần Thơ.
            b/ Nhóm 2 : là những quan hệ quản lí phát sinh trong quá trình các cơ quan Nhà nước ổn định công tác nội bộ của mình.
            Ví dụ : Chánh án phân công Thẩm phán xử án thì quan hệ giữa Chánh án và Thẩm phán là do luật Hành chính điều chỉnh nhằm ổn định nội bộ.
            c/ Nhóm 3 : là những quan hệ do Nhà nước ủy quyền cho các nhân và một số tổ chức xã hội thực hiện hoạt động quản lí hành chính nhà nước trong một số trường hợp cụ thể.
            Ví dụ 1 : Chủ tọa phiên tòa đang xét xử, có người gây rối trật tự tại phiên tòa. Lúc đó, Chủ tọa phiên tòa được quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (hoạt động quản lí hành chính Nhà nước) đối với người gây rối.
            Ví dụ 2 : Người chỉ huy con tàu (đã rời cảng) hoặc người chỉ huy máy bay (đã rời sân bay) có quyền tạm giữ người gây rối theo thủ tục hành chính.
1. 2. Phương pháp điều chỉnh của Luật Hành chính :
Phương pháp điều chỉnh của Luật hành chính là phương pháp mệnh lệnh được hình thành từ quan hệ “quyền lực – phục tùng” giữa một bên có quyền nhân danh nhà nước ra những mệnh lệnh bắt buộc đối với bên kia là cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phục tùng các mệnh lệnh đó. Chính mối quan hệ “quyền lực – phục tùng” thể hiện sự không bình đẳng giữa các bên tham gia quan hệ QLHCNN.
Phương pháp điều chỉnh chủ yếu của luật hành chính Việt Nam là phương pháp mệnh lệnh đơn phương. Nó được xây dựng trên các nguyên tắc:
- Trong quan hệ QLHCNN luôn có sự không bình đẳng giữa các bên tham gia: một bên nhân danh nhà nước, sử dụng quyên lực nhà nước để đưa ra các quyết định hành chính, còn bên kia phải phục tùng những quyết định ấy.
- Bên nhân danh nhà nươc, sử dụng quyền lực nhà nước có quyền đơn phương ra quyết định trong phạm vi thẩm quyền của mình vì lợi ích của nhà nước, của xã hội.
- Quyết định đơn phương của bên có quyền sử dụng quyền lực nhà nước có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên có liên quan và được đảm bảo thi hành bằng quyền lực nhà nước.
- Quyết định hành chính phải thuộc phạm vi thẩm quyền của bên nhân danh nhà nước, vì lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội, trên cơ sở pháp luật có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên hữu quan và được đảm bảo thi hành bằng sự cưỡng chế nhà nước.
Ngoài ra, còn một số phương pháp khác như : phương pháp giáo dục, thuyết phục; phương pháp kinh tế; phương pháp phối kết hợp; phương pháp thống kê; …
2. Quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật dân sự :
            2.1. Đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự :
Đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự là nhóm quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân phát sinh trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá nhằm thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của các thành viên trong xã hội.
            a/ Quan hệ tài sản :
            - Luật Dân sự chỉ điều chỉnh một số quan hệ tài sản mang tính hàng hóa, tiền tệ, đền bù ngang giá phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
            - Quan hệ luật Dân sự bao gồm : quan hệ sở hữu; quan hệ hợp đồng dân sự; quan hệ bồi thường; quan hệ thừa kế.
            Ví dụ : Bà Trương Mộng Linh đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đến cửa hàng kinh doanh vi tính Tín Thành Đạt hợp đồng mua 30 máy vi tính cho Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.
            b/ Quan hệ nhân thân : là quan hệ giữa người với người về các giá trị tinh thần :
            “ Điều 32. Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể :
            1. Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể.
            2. Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm đưa đến cơ sở y tế; cơ sở y tế không được từ chối việc cứu chữa mà phải tận dụng mọi phương tiện, khả năng hiện có để cứu chữa.
            3- ...”                                                  ( Trích Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2005)
            Quan hệ nhân thân được chia làm 2 loại :
            + Quan hệ nhân thân liên quan đến tài sản nghĩa là các quan hệ nhân thân làm tiền đề phát sinh quan hệ tài sản nó chỉ phát sinh trên cơ sở xác định được các quan hệ nhân thân như: quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật,...
+ Quan hệ nhân thân không liên quan đến tài sản là những quan hệ giữa người với người về những lợi ích tinh thần tồn tại một cách độc lập không liên quan gì đến tài sản như quan hệ về tên gọi, quan hệ về danh dự của công dân hoặc tổ chức. Quan hệ nhân thân không liên quan đến tài sản trong Luật dân sự là thể chế hoá Hiến pháp 1992 bao gồm đối với họ tên, bí mật đời tư, quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm uy tín,...
            2.2. Phương pháp điều chỉnh của Luật Dân sự :
            Phương pháp điều chỉnh của LDS là những cách thức biện pháp mà nhà nước tác động đến các các quan hệ tài sản, các quan hệ nhân thân làm cho các quan hệ này phát sinh, thay đổi hay chấm dứt theo ý chí của nhà nước.
Phương pháp điều chỉnh của LDS là bình đẳng, thoả thuận và quyền tự định đoạt của các chủ thể. Nó thể hiện qua 2 ý :
- Pháp luật dân sự đảm bảo cho các bên tham gia quan hệ bình đẳng với nhau về mặt pháp lí dựa trên sự độc lập về tài sản.
- Pháp luật cho phép các bên tham gia quan hệ tự thỏa thuận, tự quyết định về mọi vấn đề trong nội dung của quan hệ.
Ví dụ : Đất mặt tiền đường Tỉnh lộ 7 khu vực từ ngả 3 Trung Lập đến Bệnh viện An Nhơn Tây được Nhà nước quy định là 400 ngàn đồng / 1m2. Nhưng trên thực tế, do thỏa thuận giữa người mua và người bán, số tiền này có thể ít hoặc nhiều hơn so với quy định.
           

3. Quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật kinh tế :
            3.1. Đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh tế :
Đối tượng điều chỉnh của luật kinh tế là những quan hệ kinh tế do luật kinh tế tác động vào, bao gồm các nhóm quan hệ phát sinh trong quá trình quản lý kinh tế và nhóm quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau.
            Ví dụ : Ông Quách Văn Minh Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Quách Minh kí kết hợp đồng bán bột mì cho công ty cổ phần Á Châu là quan hệ được điều chỉnh bởi Luật Kinh tế.
a/ Nhóm quan hệ phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.
Ví dụ : Góp vốn để thành lập công ty.
            b/ Các hoạt động mang tính tổ chức của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ví dụ : quan hệ giữa cơ quan tài chính với các bộkinh tế, bộ kế hoạch đầu tư với các bộ kinh tế....
            c/ Nhóm quan hệ phát sinh trong nội bộ doanh nghiệp, nội bộ đơn vị kinh tế, tổ chức bộ máy cũng như hoạt động kinh tế trong nội bộ đơn vị đó.
            d/ Nhóm quan hệ phát sinh trong việc giải quyết tranh chấp hoạt động kinh doanh thương mại và phá sản.
            3.2. Phương pháp điều chỉnh của Luật Kinh tế :
            Phương pháp điều chỉnh của Luật kinh tế là phương pháp bình đẳng, thỏa thuận và phương pháp mệnh lệnh, hành chính.
            Phương pháp bình đẳng, thỏa thuận sử dụng cho các nhóm a; c và d
            Phương pháp mệnh lệnh, hành chính sử dụng cho các nhóm b; c và d.
            4. Quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật hôn nhân-gia đình:
            4.1. Đối tượng điều chỉnh của Luật Hôn nhân-Gia đình :
Đối tượng điều chỉnh của Luật Hôn nhân - gia đình đó là những quan hệ xã hội trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, cụ thể là quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con và giữa những người thân thích ruột thịt khác. Vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật Hôn nhân - gia đình gồm hai nhóm quan hệ xã hội, đó là nhóm quan hệ nhân thân và nhóm quan hệ tài sản.
            a/ Nhóm quan hệ nhân thân là những quan hệ xã hội phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về lợi ích nhân thân.
            Ví dụ : Quan hệ giúp đỡ nhau giữa vợ và chồng; quan hệ về trách nhiệm giữa cha mẹ đối với con cái; về sự kính trọng của cháu chắt đối với ông bà; ...
            b/ Nhóm quan hệ về tài sản là  những quan hệ phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về tài sản.
            Ví dụ : quan hệ về sở hữu giữa vợ và chồng; quan hệ về cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa các thành viên trong gia đình, ...
            4.1. Phương pháp điều chỉnh của Luật Hôn nhân-Gia đình :
Phương pháp điều chỉnh của luật Hôn nhân- gia đình là những cách thức, biện pháp mà các qui phạm pháp luật hôn nhân - gia đình tác động lên các cơ quan xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của nó. Phương pháp điều chỉnh của Luật Hôn nhân - gia đình hết sức mềm dẻo, chủ yếu là khuyến khích các chủ thể thực hiện các nghĩa vụ và quyền hôn nhân - gia đình. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt mới dùng biện pháp cưỡng chế: hũy hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên ... (điều 16, điều 14, điều 41 Luật Hôn nhân - gia đình 2000).

QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC LÀ THỐNG NHẤT , CÓ Ự PHÂN CÔNG VÀ PHỐI HỢP...


                                                    QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC
                                                 LÀ THỐNG  NHẤT NHƯNG
                                             CÓ SỰ PHÂN CÔNG, PHỐI HỢP…

                                                                                                               
         Nhà nước của bất cứ chế độ xã hội nào cũng sử dụng đến quyền lực chính trị, trong đó trọng tâm là quyền lực nhà nước để bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền và duy trì trật tự xã hội theo mục đích, ý chí của giai cấp mình, đồng thời phục vụ lợi ích của nhân dân lao động.  Nhà nước XHCN, trong đó Nhà nước Việt Nam, ngay từ khi ra đời (2/9/1945 đến nay) đã tổ chức theo cơ chế tập quyền XHCN. Đó là Nhà nước kiểu mới dựa trên nền tảng học thuyết Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta. Đó là cơ chế quyền lực tập trung, thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
          Từ quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể chế hóa bằng cơ sở pháp lý về cách thức tổ chức quyền lực của Nhà nước ta được thể hiện qua các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, và 1992. Tại Điều 2 của Hiến pháp năm 1992 (sủa đổi năm 2001) xác định “Nhà nước CHXHCN là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Vì sao quyền lực nhà nước của nước CHXHCN Việt Nam được tổ chức thống nhất?
Vì, thứ nhất: ở nước ta chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng là ĐCS Việt Nam. Điều 4 của HP 1992 đã xã định Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
          Thứ hai: Ở Việt Nam vấn đề lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc, lợi ích của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân, toàn xã hội là thống nhất. Mục tiêu của chúng ta đang hướng tới là xây dựng xã hội đân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
        Khẳng định quyền lực tập trung, không phân chia để đảm bảo tính hệ thống và thực hiện chính sách của nhà nước một cách thống nhất.
Vì sao phải phân công và phối hợp trong việc thực hiên các quyền:
Xét từ góc độ tổ chức thực hiện QLNN. Nhà nước PQXHCNVN đòi hỏi sự phân công, phân định rõ các chức năng và lĩnh vực hoạt động của các cơ quan nhà nước, mỗi loại hình cơ quan (Quốc hội, Chính phủ, TAND, VKSND) phải có vị trí độc lập tương đối trong bộ máy nhà nước và thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình theo đúng HP, các luật tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phân công để nhằm mục đích tránh việc quyền lực tập trung vào một bộ phận dẫn đến quan liêu độc đoán, chuyên quyền, lạm quyền. Sự phân công quyền lực trong nhà nước ta là phân công về giác độ khoa học, về mặt kỹ thuật để mỗi cơ quan chức năng thực hiện chuyên sâu một lĩnh vực, một nhánh quyền lực.
Sự phân công và phối hợp, cụ thể: Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội:  Sự tập trung thống nhất quyền lực được biểu hiện cao nhất là ở Quốc hội, với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân do cử tri của cả nước bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhât và thống nhất mọi quyền lực nhà nước. Quốc hội lập ra các cơ quan hành pháp (Chính phủ, bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) và các cơ quan trong hệ thống tư pháp như TAND; VKSND. Đồng thời QH bầu hoặc phê chuẩn hoặc cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với những người giữ chức vụ cao cấp ở các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong bộ máy nhà nước ta.  Đồng thời QH quyết định những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyết định những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Quyền hành pháp thuộc về Chính phủ
Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, đứng đầu hệ thống bộ máy hành chính của nhà nước ta từ TW đến cơ sở.
Với tư cách là cơ quan hành pháp: Chính phủ thực hiện quyền lập quy nhằm cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp, luật, NQ của QH; Pháp lệnh, NQ của UBTVQH, bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân; trình các dự án luật và pháp lệnh trước QH và UBTVQH.
Với tư cách là cơ quan hành chính:  Chính phủ lãnh đạo công tác của các bộ, các cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước thống nhất từ trung ương đến cơ sở.
Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, các dịch vụ công; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia;
Củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Về quyền Tư pháp
Quyền tư pháp là quyền bảo vệ pháp luật, quyền này thuộc về Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.
Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự và các Tòa án khác do luật định là các cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tòa án xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật.  Khi xét xử
Trong phạm vi chức năng của mình, Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.
Đối với VKSND: Điều 1, Luật tổ chức VKSND quy định; Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
          Phân công nhưng có sự phối hợp giữa các cơ quan để quyền lực nhà nước được thực hiện một cách toàn diện và thống nhất, do đó, sự phân quyền nhưng không  mang tính cơ học mà có sự phối hợp thực hiện một cách nhịp nhàng. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan còn thể hiện ở sự bổ sung thực hiện chức năng giữa các cơ quan ngày càng tốt hơn. Ở nước ta hiện nay, Chính phủ là cơ quan hành pháp nhưng với sự trợ giúp trong việc soạn thảo các dự án luật đã giúp QH thực hiện quyền lập pháp một cách tốt hơn. Và trong quá trình thực hiện chức năng của mình, QH, các cơ quan tư pháp đã giúp Chính phủ thi hành pháp luật được hiệu quả hơn./

Phần II.2: NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT


                                     HƯỚNG DẪN ÔN THI PHẦN II

Phần II.2:      NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT


          Nội dung thứ nhất:
          a. Trình bày khái niệm Nhà nước PQXHCN; cơ cấu tổ chức bộ máy và chức năng của các cơ quan trong bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 1992.
          b. Phân tích nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
* Gợi ý: Yêu cầu làm rõ những vấn đề sau:
Câu a:  -  Khái niệm Nhà nước PQXHCN
Nhà nước PQXHCN là Nhà nước XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, quản lý xã hội theo pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, do ĐCS  lãnh đạo, đồng thời chịu  sự giám sát của nhân dân.
- Cơ cấu tổ chức bộ máy và chức năng của các cơ quan trong bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 1992.
Nêu tên các cơ quan trong bộ máy nhà nước và nêu vị trí vai trò, chức năng từng cơ quan (không yêu cầu nêu nhiệm vụ, quyền hạn)
Câu b: Quyền lực Nhà nước ở nước CHXHCN Việt Nam được tổ chức thống nhất.
- Vì sao quyền lực nhà nước ở nước ta được tổ chức thống nhất?
  thể chế chính trị của chúng ta chỉ có duy nhất một chính đảng lãnh đạo là ĐCSVN, không có sự phân chia quyền lực, đối trọng quyền lực như thể chế tam quyền phân lập ở các nước khác.
- Quyền lực nhà nước được tổ chức thống nhất thể hiện như thế nào trong bộ máy nhà nước CHXHCNVN? ( Sự thống nhất quyền lực thể hiện cao nhất ở QH, QH do nhân dân bầu ra, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân cả nước. Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về đối nội và đối ngoại, QH bầu ra các cơ quan chức năng khác của bộ máy Nhà nước như: Cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp ( kể tên cụ thể các cơ quan đó)
- Vì sao có sự phân công, vì sao có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự phối hợp được thể hiện như thế nào?
                                                  **********************
          Nội dung thứ hai:
          Câu a: Nêu vị trí, vai trò, chức năng của HĐND
          Câu b: Phân tích làm rõ tính đại diện và tính quyền lực của HĐND.
 * Gợi ý: Yêu cầu làm rõ những vấn đề sau:
Tính đại diện thể hiện HĐND là cơ quan do nhân trực tiếp bầu ra nhằm thay mặt cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tại đó các đại biểu phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Căn cứ vào ý chí nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân để thực hiện quyền lực nhà nước tại HĐND
Tính quyền lực nhà nước thể hiện;  HĐND căn cứ vào Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên để thực hiện chức năng quyết định các vấn đề về xây dựng và phát triển địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương, đồng thời sử dụng quyền lực nhà nước để giám sát việc tuân theo NQ của HĐND, giám sát việc  tuân thủ HP, PL của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội và công dân địa phương.
 Liên hệ vấn đề trên trong hoạt động của HĐND nơi anh (chị) công tác hoặc cư trú.
                                       **************************
          Nội dung  thứ 3:
          a. Trình bày vị trí vai trò, chức năng của UBND (không nêu nhiệm vụ quyền hạn).
          b. Nêu rõ các mối quan hệ của UBND với HĐND và các cơ quan khác trong hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở.
Liên hệ việc thực hiện các mối quan hệ đó.
Gợi ý: Yêu cầu làm rõ những vấn đề sau:
Câu a: (đã có trong Giáo trình)
Câu b:- Vì sao có mối quan hệ đó, mục đích của mối quan hệ?
-  Mối quan hệ giữa UBND với HĐND và các cơ quan khác trong hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở được thể hiện:
                   + Quan hệ giữa UBND với cấp uỷ đảng: Hoạt động quản lý điều hành của UBND đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng.
                    + Quan hệ giữa UBND với HĐND: UBND do HĐND bầu ra, là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp, UBND chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện NQ của HĐND; UBND chịu sự giám sát của HĐND, báo cáo công tác trước HĐND; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các thành viên của UBND chịu trách nhiệm trước HĐND; UBND chịu trách nhiệm phối hợ với thường trực HĐND chuẩn bị nội dung các kỳ họp HĐND;
+ Mối quan hệ giữa UBND với MTTQVN với các tổ chức đoàn thể quần chúng cùng cấp. (phần cuối bài HĐND và UBND đã chỉ rõ mối quan hệ này)
                                              **************************

          Nội dung thứ tư:
 a. So sánh bản chất pháp luật XHCN với bản chất của các kiểu pháp luật khác.
 b. Vì sao Nhà nước thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật?
 Gợi ý: Yêu cầu làm rõ những vấn đề sau:
Câu a:  - Nêu khái niệm pháp luật.
- Dựa vào những điểm cơ bản để so sánh như:
+ PL nhà nước PK và nhà nước TS dựa vào ý chí của giai cấp thống trị, trước hết để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, pháp luật XHCN thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó PL XHCN mang tính xã hội cao hơn,  nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, phục vụ lợi ích toàn xã hội.
+ PL XHCN mang tính nhân đạo XHCN
Câu b: Vì sao Nhà nước thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật?
- Dựa vào các yếu tố của pháp luật như:
+Bản chất của PL;
+ Thuộc tính của PL (mang tính bắt buộc chung);
+ Chức năng của PL, trong đó nhấn mạnh chức năng cưỡng chế;
+ Vai trò của PL ( pháp luật có tác động đến các lĩnh vực đời sống xã hội như: KT, Chính trị, xã hội, đạo đức, tư tưởng… )
-   Từ những vấn đề trên để khẳng định quy phạm pháp luật là loại quy phạm thể hiện ý chí, quyền lực của nhà nước, hiệu lực cao hơn so với các loại quy phạm xã hội khác, vì vậy nhà nước thực hiện quản lý xã hội bằng PL, đồng thời có sự kết hợp với các loại quy phạm khác.
                                                     ***********************

          Nội dung thứ năm:
          a. Cho biết các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
b. Phân tích ý nghĩa của thuyết phục hành chính và cưỡng chế hành chính.
   Gợi ý: Yêu cầu làm rõ những vấn đề sau:
Câu a:  Các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, gồm có:  xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý VPHC khác
          - Xử phạt VPHC; gồm: 
                    + Các biện pháp phạt chính: cảnh cáo;  phạt tiền; trục xuất.
                    + Các biện pháp phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật phương tiện sử dụng để vi phạm; trục xuất
                    + Các biện pháp khắc phục hậu quả do VPHC gây ra:  (buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng)
          Câu b:Phân tích ý nghĩa của thuyết phục hành chính và cưỡng chế hành chính.
          Vấn đề này cơ bản đã được thể hiện tại mục a trang 238 của giáo trình.
-         Liên hệ việc thực hiện những hình thức này ở ngành hoặc địa phương.
Nêu những ưu điểm, những mặt hạn chế trong việc thực hiện các biện pháp xử lý VPHC ở địa phương hoặc ngành.
                                  ************************
          Nội dung thứ sáu:
          a. Nêu các nguyên tắc của chế độ Hôn nhân và gia đình, phân tích ý nghĩa của các nguyên tắc đó.
          b. Cho biết những điều kiện kết hôn và những trường hợp cấm kết hôn. Hủy hôn trái pháp luật xảy ra trong trường hợp nào?
Gợi ý: Yêu cầu làm rõ những vấn đề sau:

          Câu a:- Nêu nội dung từng nguyên tắc, kết hợp với việc phân tích ý nghĩa của nguyên  tắc đó (phân tích ngắng gọn)
Câu b: Những điều kiện kết hôn và những trường hợp cấm kết hôn. Hủy hôn trái pháp luật xảy ra trong trường hợp nào?
(Những vấn đề này đã có trong bài học, trong giáo trình)

                                                  ***********************
          Nội dung thứ bảy:
          a. Phân tích các nguyên tắc cơ bản của Luật Đất đai năm 2003. Liên hệ việc thực hiện các nguyên tắc đó ở địa phương.
          b. Cho biết các quyền của người sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai năm 2003. Phân biệt quyền của chủ sở hữu đất đai với quyền của chủ sử dụng đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Gợi ý: Yêu cầu làm rõ những vấn đề sau:
 Câu a: Phân tích các nguyên tắc cơ bản của Luật Đất đai năm 2003.
- Nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu duy nhất và thống nhất quản lý đối với đất đai;
- Nguyên tắc sử dụng đất đai có quy hoạch, kế hoạch hợp lý và tiết kiệm;   Nguyên tắc bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp;
- Nguyên tắc cải tạo và bồi bổ đất đai.
(Lưu ý khi phân tích, trên cơ sở những nội dung đã có, phải dùng lý lẽ, lập luận của mình để làm rõ thêm nội dung từng nguyên tắc)
-         Liên hệ việc thực hiện các nguyên tắc đó ở địa phương.
Câu b: - Các quyền của người sử dụng đất được quy định tại Điều 106,  Luật Đất đai năm 2003.
- Phân biệt quyền của chủ sở hữu đất đai với quyền của chủ sử dụng đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.
+ Quyền sở hữu tài sản đối với một chủ thể chỉ có được khi chủ thể đó có đầy đủ 3 quyền năng (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt) đối với tài sản đó.
+  Đối với đất đai: Quyền sở hữu đất đai ở nước CHXHCN Việt Nam chỉ có ở chủ thể duy nhất là nhà nước, vì chỉ có nhà nước có đầy đủ 3 quyền năng (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt) đối với đất đai. Quyền của chủ thể sử dụng đất (Người sử dụng đất) chỉ có các quyền trong sử dụng đất, nhưng không có đầy đủ các quyền trong  chiếm hữu và định đoạt đối với đất đai ./.


                                              ***********************

          Nội dung thứ tám:
          a. Phân biệt nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở với nội dung PL thực hiện  dân chủ ở cơ sở.
          b. Phân tích ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Liên hệ thực tế việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nơi anh (chị) công tác hoặc cư trú./.

Gợi ý: Yêu cầu làm rõ những vấn đề sau:
Câu a: Phân biệt nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở với nội dung PL thực hiện  dân chủ ở cơ sở.
- Khái niệm cơ sở
- Cần lưu ý: Đề yêu cầu phân biệt (chỉ ra sự khác nhau) giữa nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở  với nội dung pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Vì vậy tránh sự nhầm lẫn khi làm bài chỉ nêu (trình bày) nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở và nội dung pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở mà không chỉ ra được sự khác nhau theo yêu cầu của đề bài. Cho nên, yêu cầu cần xác định rõ là:
-  Nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở; với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.  Do đó, nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở là:
+ Những công việc của Nhà nước, của xã hội, nhân dân phải được biết;
+ Những việc nhân dân tham gia vào quản lý (bàn bạc, quyết định, đóng góp ý kiến)
+ Những nội dung nhân dân giám sát.
-         Nội dung PL thực hiện dân chủ ở cơ sở:
+ Nêu khái niệm PL thực hiện dân chủ ở cơ sở:
+ Nêu tóm tắt nội dung PL thực hiện dân chủ ở cơ sở trong từng loại hình cơ sở (Bản thân công tác trong loại hình cơ sở nào thì nêu  loại hình đó)
Ví dụ: Trong cơ quan HCNN, trong các cơ quan sự nghiệp như: trường học, bệnh viện… thì nêu nội dung pháp luật thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, cụ thể là:
- Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan:
- Trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện dân chủ.
+ Những việc cán bộ, công chức phải được biết:
+ Những việc cán bộ, công chức tham gia ý kiến, thủ trưởng cơ quan quyết định:
+ Những việc cán bộ, công chức giám sát, kiểm tra:
-         Cơ quan thực hiện dân chủ trong các mối quan hệ (với công dân, với cơ quan cấp trên, với cơ quan cấp dưới)
Câu b: Phân tích ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
-         Bản chất của nhà nước ta là nhà nước dân chủ, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
-         Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước
-         Thực hiện dân chủ cơ sở nhằm để nâng cao tính cộng đồng giữa nhà nước và nhân dân
-         Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm để đảm bảo việc thựchiện đúng đắn đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và PL của nhà nước.
 Liên hệ thực tế việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nơi anh (chị) công tác hoặc cư trú.( Liên hệ quá trình từ triển khai đến tổ chức thực hiện trong cơ quan đơn vị. Phản ánh những kết quả đạt được, những ưu, khuyết điểm)